Giải pháp tiết kiệm nước trong mùa khô

Trước tình trạng Đông Nam Bộ đang đón một mùa hạn hán kéo dài, nước tưới thiếu trầm trọng, thì việc lựa chọn mô hình tưới tiết kiệm (TTK) bằng cách tưới nhỏ giọt đang là giải pháp tiết kiệm nước hiệu quả cho người nông dân Bình Phước.
Ông Nguyễn Văn Tất, ấp 7, xã Đức Liễu, Bù Đăng cho biết: Gia đình tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ, đầu tư thí điểm trồng hơn 2ha ca cao và cà phê bằng mô hình tưới nhỏ giọt từ tháng 2/2012. Sau khi đưa mô hình tưới nhỏ giọt này vào phát triển trồng trọt, tôi đã hoàn toàn yên tâm về nguồn nước phục vụ tưới tiêu. Hơn 2ha cây trồng của tôi một ngày chỉ mất khoảng 20m3 nước. Không những thế, vì sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời, nước lại chạy từ từ nên khi nước tưới chưa kịp chạy hết thì nước mạch đã kịp thời tiết ra đáp ứng nguồn nước tưới.  

 


Theo ông Tất, công nghệ này bao gồm 1 tấm pin tích hợp năng lượng mặt trời, công suất 175W. Năng lượng từ pin sẽ được dẫn tới một mô-tơ, sao đó sẽ vận hành hệ thống bơm lấy nước từ dưới mương (ao, hồ hoặc giếng...) và dẫn nước theo hệ thống ống dẫn nước tới tận gốc cây. Hệ thống ống dẫn nước từ máy bơm lên đến vườn cây được sử dụng loại ống nhựa phi 40, khi đến gốc cây được phân thành chi nhánh theo hàng cây với loại ống nhỏ phi 14. Tại mỗi gốc sẽ có 2 van xả nước, nhỏ đều từng giọt và chỉnh lượng nước vừa đủ độ ẩm cho cây phát triển.  

 


“Việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời sẽ tạo điều kiện cho cây phát triển xanh tốt hơn nhờ gốc cây luôn giữ được độ ẩm, bổ sung liên tục một lượng nước vừa đủ cho cây phát triển. Sau khi sử dụng hệ thống này kết quả cho thấy, vườn cà phê và điều không còn rụng trái non, hoa ca cao không còn bị héo như trước, trái hạt chắc hơn. Vì vậy, năng suất vườn cây có thể tăng từ 25 - 30% so với trước. Không những cho tăng năng suất mà còn giảm hàng chục triệu đồng từ chi phí dầu chạy máy bơm. Trước đây bình quân vào mùa khô gia đình tôi phải tưới ít nhất 5 lần/mùa chi phí hết 8 triệu tiền dầu và 5 triệu nhân công, nhưng nay không tốn một đồng nào” ông Tất cho biết thêm.  

 


Không chỉ tưới nước, hệ thống này còn có chức năng bón phân cho cây rất đồng đều và tiện lợi bằng cách lấy phân hòa lẫn với nước cho tan, liều lượng cân đối với diện tích, sau đó cho vào bình chứa bơm lên qua hệ thống dẫn nước tới từng gốc cây. Cách làm này không chỉ tạo điều kiện cho cây hấp thụ phân một cách triệt để mà còn giảm chi phí nhân công bón phân, lượng phân không còn bị lãng phí như trước. Cũng theo ông Tất, đây là hệ thống tưới nước tự động, khi nắng lên máy sẽ tự động bật, khi hết nắng máy tự động ngắt nên không cần nhân công vận hành máy.
  

 

Cũng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nhưng không dùng năng lượng mặt trời hiện đại như gia đình ông Tất, hai năm nay gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước không hề phải lo lắng về nguồn nước tưới cho vườn măng tây của mình. Theo anh Tiến, từ khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, dù có hạn hán và thiếu nước tới mấy thì gia đình anh vẫn không bao giờ lo thiếu nước.   

 


Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết: Là người phụ trách vấn đề nông dân, nhiều năm qua, việc giải quyết vấn đề nước tưới vào mùa khô cho bà con nông dân luôn khiến chính quyền địa phương phải trăn trở rất nhiều. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hạn hán là người nông dân ở Bù Đăng thường bị cạn kiệt nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu. Từ khi hộ gia đình ông Tất được đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt đã mở ra một hướng đi mới trong việc giải quyết nước sản xuất cho nông dân trong mùa khô. Với công nghệ này, vừa tiết kiệm được nhiên liệu, phân bón, tiết kiệm nhân công và đặc biệt không bao giờ lo thiếu nước tưới.   

 


Kỹ sư Đỗ Văn Quảng, Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN cho biết, trong bối cảnh hạn hán thường kéo dài vào mùa khô ở khu vực Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng, thì việc sử dụng mô hình tưới nhỏ giọt để phục vụ quá trình sản xuất cây nông nghiệp là một phương pháp rất hiệu quả, giúp tiết kiệm lượng nước tưới (từ 50 - 70% so với cách tưới truyền thống), tiết kiệm điện năng tiêu thụ, công chăm sóc; giảm xói mòn và rửa trôi đất và chất dinh dưỡng… làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng.